27.1.15

Trang Mỹ Dung: Tiếng Hát Từ Trong Một Cõi Vô Cùng





I)

Đêm khuya.
Vắng và lặng.
Vắng lặng như một cõi thinh không.
Vắng lặng như một cõi vô cùng.
Tiếng hát ấy nhẹ nhàng cất lên.
Nhẹ đến nỗi người ta có thể không nhận ra.


Nhưng có nhận ra hay không, cũng chẳng hề gì. Tiếng hát ấy dường như không quan tâm. Nó thản nhiên, ung dung cất tiếp lời tình tự, khi nồng nàn, say đắm, khi cay đắng, u sầu; nhưng ở bất cứ sắc thái tình cảm nào, nó luôn giữ cho mình cái cung bậc và dáng vẻ của một lời thì thầm - lời thì thầm của hư vô: có như không, không như có.

Từ trong thanh âm của những lời thì thầm ấy, người nghe ngạc nhiên nhận thấy những xót xa, cay đắng, khổ đau, nuối tiếc... (vốn là những thuộc tính quen thuộc của điệp khúc tình yêu nơi con người) tuy hiện lên rất rõ đấy, rất thực đấy, có khi chua xót lắm, phũ phàng lắm, tái tê lắm; nhưng lạ kỳ thay, chúng lại luôn nhẹ nhàng như khói, như mây. Người nghe cảm thấy như chúng được cất lên không nhằm than trách, oán hờn hay thở than, buồn tủi mà chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất: để gió cuốn bay.

Tiếng hát ấy - những thanh âm thì thầm ấy - tiếp cận những tâm hồn đồng điệu chỉ để thực thi sứ mệnh gửi gắm, trao ban, và chia sẻ giữa một tâm hồn người với một tâm hồn người. Và chỉ có thế mà thôi, không nhằm vào bất kỳ điều gì khác. Sau khi thực thi xong sứ mệnh ấy, nó lại lặng lẽ biến mất, tan biến trở lại vào hư không, như thể chưa hề đến bao giờ. Tuy thế, điều đó không có nghĩa là đã chẳng có điều gì xảy ra. Người nghe cảm nhận được một sự đổi thay nào đó vừa diễn ra trong tâm hồn mình. Sự thay đổi ấy vừa mơ hồ như bản thân tiếng hát nhưng cũng lại vừa rất thực. Rằng, tâm hồn mình không còn giống như trước khi tiếng hát ấy đến. Nó dường như vừa được an ủi, vỗ về và trở nên nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều.
Giữa cõi nhân sinh luôn xáo động và xô bồ này, hình ảnh cuộc sống là hình ảnh của những dòng người bon chen mưu cầu điều được gọi là hạnh phúc. Trong dòng người bôn ba miệt mài ấy, thanh âm phủ trùm luôn là những tiếng thét gào inh ỏi hay những âm điệu cao vun vút lôi cuốn sự chú ý. Không có nhiều chỗ, không có nhiều khoảng không cho sự hiện diện và tồn tại của những thanh âm trầm lắng, xuất phát từ tận sâu trong đáy lòng của con người. Thế mà, tiếng hát thì thầm ấy đã tồn tại chung thủy và kiêu hãnh (chưa hề bao giờ bị lãng quên) trong suốt gần năm thập kỷ qua trên cõi đời này, trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, và nhất là trong thẳm sâu tâm hồn của những khán giả tri âm, đồng điệu.

Điều đó, xét ra, giống như một điều kỳ diệu và như là một chiến tích. Nó kỳ diệu là vì, ai cũng biết, lòng người vốn bạc, tung hô đấy để rồi quên lãng thật nhanh. Huống hồ gì, nửa thế kỷ là khoảng thời gian của bao biến đổi biển dâu. Có cơn mưa nào, ngoài Hai Mùa Mưa có thể kéo dài đến thế bao giờ? Nó là chiến tích là vì, đã có biết bao tiếng hát vụt sáng thật nhanh với vầng hào quang lừng lẫy, nhưng cũng đã vụt tắt vào một buổi chiều hôm nào đó, không ai hay, không để lại một mảy may dấu vết.

Là kỳ diệu, là chiến tích, là vì, trong suốt gần nửa thế kỷ qua, ngoài gần một thập niên ban đầu (1967-1975) là lúc nó được sống trong khoảng trời tự do nơi nó đã được sản sinh và được đưa lên ngai vàng thần tượng của một danh ca, nó không còn có nhiều dịp như ngày xưa nữa để trình diện với khán giả tri âm hàng ngày hay hàng đêm dưới ánh đèn sân khấu với những nhạc phẩm "vàng" quen thuộc và gắn bó. Nó chỉ còn thỉnh thoảng trình diện nhân gian như chứng tích của một thời vàng son nhung gấm, như dấu chỉ của một lòng thủy chung son sắt với khoảng trời xưa cũ. Nó cùng với những bài ca thân thương lặng lẽ đi tìm những người nghe tri kỷ cũ và mới. Người nghe tri âm cũng len lỏi giữa dòng đời lang bạt để tìm lại một vóc hình khả ái thân quen, tìm lại những lời thì thầm trong ký ức. Đã có nhiều, rất nhiều những cuộc gặp gỡ như thế.

Những cuộc gặp gỡ đầy cảm động đó là lý do cho sự trường tồn của tiếng hát ấy, từ ngày xưa đến ngày nay; là lý do cho sự trường tồn ấy là một điều kỳ diệu, một chiến tích. Không có nhiều những tiếng ca thì thầm như thế. Không có tiếng ca thì thầm nào có số phận ưu ái như thế. Bản thân của định mệnh là riêng, là duy nhất. Hai cá thể khác nhau hiếm khi bao giờ có cùng chung định phận. Định mệnh ưu ái ấy chỉ dành riêng cho một tiếng hát.

Đó là tiếng hát Trang Mỹ Dung.







II)

Hai Lối Mộng

Nhạc phẩm HLM của nhạc sĩ Trúc Phương, vốn là một nhạc phẩm hay, được trình bày thành công bởi nhiều ca sĩ khác trước đây. Nhưng nếu có dịp nghe nó qua phần trình bày của ca sĩ TMD, người nghe sẽ thấy bài hát dường như khoác lên mình nó một chiếc áo khác được may với một kiểu dáng rất riêng đầy quyến rũ. Ở đây, dường như có một sự cộng hưởng đặc biệt giữa chất giọng người hát và nội dung bài ca, khiến cái buồn của sự chia ly đổ vỡ mang một sắc thái rất riêng - sắc thái TMD: nhẹ nhàng, lắng sâu và chịu đựng. Cách nhả chữ, luyến láy thật tài tình và tinh tế, cùng với lối xuống giọng trầm thật nhẹ nhàng, êm ả và du dương ở các phần cuối câu, khiến bài hát trở nên cuốn hút lạ thường và làm người nghe có thể nghe đi, nghe lại hoài mà không thấy chán.

Lạy Trời Con Được Bình Yên

Nhạc phẩm LTCĐBY của nhạc sĩ Lam Phương là lời tự sự u sầu của một người con gái đổ vỡ tình yêu. Tình yêu ấy trước đây mới nồng nàn cháy bỏng làm sao:

Vào một đêm không trăng, không sao,
Ta trao cho nhau một đêm tuyệt vời,
Một đêm rã rời...
Để giờ đây, khi tình phải cách xa, nỗi thống thiết u sầu không thể nào tả hết được:
Tình ngang trái, nhớ nhau suốt đời,
Mai anh đi về rồi, đời buồn lắm, anh ơi....
Sau cơn mơ thật dài là giờ phút đơn côi...

Hiếm có bài hát nào có được những lời tự sự tình yêu thật đẹp, thật nồng nàn, lãng mạn và nhiều xúc cảm đến thế. Bài hát là một minh chứng nữa cho tài hoa vượt trội và đa dạng của nhạc sĩ Lam Phương. Và có thể nói, khó có thể có một giọng hát nào khác có thể chuyển tải những lời tự sự đầy u buồn và thương cảm của người con gái trong bài ca hay hơn giọng hát TMD. Từng lời ca được buông ra khoan thai, tỉ tê, nhẹ nhàng nhưng lại xoáy sâu vào lòng người nghe với những xúc cảm thương cảm dâng trào, mạnh mẽ không thể nào tả nổi. Nhẹ nhàng mà mạnh mẽ: Đó chính là điểm mấu chốt phân định nội lực giữa một ca sĩ bình thường và một danh ca.

Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ
MĐTN là một nhạc phẩm vàng nổi tiếng được ưa chuộng của nhạc sĩ Hà Phương, được nhiều ca sĩ chọn để trình bày. Khác với đa số các ca sĩ khác khi thể hiện nhạc phẩm này thường chọn cách diễn tả da diết và có phần não nuột, TMD thể hiện nó với một phong cách khác - phong cách trầm buồn cố hữu, nên cơn mưa trong bài ca cũng rơi theo một nhịp điệu khác: rả rích hơn, ít giông gió hơn, gợi cảm giác buồn nhớ, nỉ non nhiều hơn sầu thảm, ai oán. Nhưng cái buồn nhớ ấy, cái nỉ non ấy mới lắng đọng làm sao. Người nghe có cảm giác nó sẽ kéo dài thiên thu như những cơn mưa dĩ vãng trong những đêm khuya nào đó nơi phố thị đìu hiu vẫn mãi còn rơi trong lòng của cố nhân, ở ngày tháng hôm nay và mãi mãi sau này.





III)

Dòng nhạc vàng thịnh hành trong giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam Việt Nam đã giúp chắp cánh tên tuổi cho cả một thế hệ ca sĩ, mà đa phần trong số đó tài năng vẫn còn sáng chói mãi cho đến ngày hôm nay. Có thể nói một cách chung rằng, nét cảm xúc chủ đạo của những nhạc phẩm tình ca trong giai đoạn đó là nỗi buồn nhân bản mênh mông: của tình yêu đổ vỡ, của thân phận con người, của chia ly và mất mát... So với các giọng ca khác cùng thời, tiếng hát TMD mang một nét trầm buồn đặc trưng rất riêng. Và cũng chính nét trầm buồn ấy đã vô tình gắn kết nó bền chặt và chung thủy với dòng nhạc ấy như một định mệnh khó thể tách rời, bất chấp việc nó gần như là tiếng hát duy nhất ở lại, lạc lõng và bơ vơ giữa một không gian mới đã hoàn toàn thay đổi.

Thật khó có thể hình dung tiếng hát ấy lại hát một thể loại nhạc nào khác không có cùng chung dáng hình và bản sắc. Điều đó, nếu xảy ra, giống như là một sự bội phản, giống như việc bắn một viên đạn vào trong quá khứ - cái quá khứ mà cả người hát và người nghe đều nâng niu như một kỷ vật tình yêu. Khán giả luôn yêu thương nó khó lòng mà chấp nhận được. Luận giải sâu hơn, tiếng hát ấy vốn thoát thai từ trong lòng sâu của một cõi vô cùng, nơi cả sự sống và cái chết đều dừng lại, nhường chỗ cho tình yêu phát sinh và tình người khai nở, nên nó dường như đã được mặc định để chẳng bao giờ hát gì khác hơn ngoài những xúc cảm linh thiêng của con người, mà trong đó nỗi buồn mang dáng nét nhân bản hơn cả. Xét ra, sự gắn bó hỗ tương ấy vừa là tự nguyện, vừa là một kết nối định phận.

 



IV) 

Đêm đã khuya lắm.
Càng vắng và lặng hơn.
Không còn lại gì trong không gian.
Ngoài tiếng hát ấy và... một cõi vô cùng. 
Tiếng hát ấy vẫn khẽ khàng cất lên.
Như nó đã âm thầm cất lên trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
Mặc dòng đời biến động. Mặc lòng người biển dâu.
Lát nữa đây thôi, đêm sẽ tàn và ngày sẽ lên. 
Không gian lại tưng bừng náo nhiệt những thanh âm hỗn tạp của đời sống.
Tiếng hát ấy sẽ lại trở về với cõi hư không, như chưa hề bao giờ đến.
Để lại quanh đây một dư âm buồn man mác.
Như một giấc chiêm bao.


06/09/2014
Jeffrey Thai






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét